CÁI CHẾT CỦA ĐÔ ĐỐC YAMAMOTO VÀ NHỮNG CÂU HỎI "TẠI SAO"?
Đúng 8:00 sáng ngày 18/04 năm 1943, tại căn cứ không quân Nhật trên đảo Rabaul, đoàn công tác đặc biệt của Đô đốc Yamamoto Isoroku xuất kích. Hai chiếc Mitsubishi G4M (tên mã của Đồng Minh là “Betty”) được đánh số 1 & 2 lần lượt cất cánh chở theo những nhân vật tối quan trọng (I). Theo sau đó là 6 chiến đấu cơ Zero - do 6 phi công cực kỳ thiện chiến của Không quân Hải quân Hoàng Gia Nhật Bản điều khiển. Tất cả đều là những phi công thuộc hàng ACE, trong đó có Soichi Sugita (II) và Kenji Yanagiya (III).
6 chiếc Zero nhanh chóng áp sát 2 chiếc G4M và xếp theo đội hình 2-2-2 để hộ vệ. Hai chiếc bên trái, 2 chiếc bên phải và 2 chiếc phía trên, lùi lại đằng sau 1 chút để mở rộng góc quan sát. Một chuyến công tác được đánh dấu tuyệt mật, ngay cả với các đơn vị Nhật Bản đóng trên các đảo ở Thái Bình Dương. Sau 90 phút bay ở độ cao 2000 m, cả đoàn đến bờ Tây đảo Bougainville, chuẩn bị hạ cánh. Bất thình lình, nhiều tốp tiêm kích P-38 của Mỹ xuất hiện trên cao chuẩn bị không kích. 6 chiếc Zero hộ tống vội vứt thùng dầu phụ và vọt lên quần thảo với địch trong khi 2 chiếc G4M hạ thấp xuống gần các ngọn cây tìm cách hạ cánh khẩn cấp. Lúc này, một tốp 4 chiếc P-38 khác mới xuất hiện từ phía sau và xả đạn vào chiếc G4M đánh số 1. Lửa bùng lên ngay sau loạt đạn đầu, khói đen bốc lên từ cánh và nó bắt đầu cháy. Một chiếc P-38 khác trờ tới xả thêm 1 loạt đạn nữa, chiếc “Betty” số 1 rung lên, đụng vào 1 cành cây và rơi xuống 1 cánh rừng rậm trên đảo Bougainville. Chiếc G4M còn lại vòng ra biển nhưng cũng không thoát.
Chiều ngày 18, bộ chỉ huy Nhật ở Rabaul điện về Bộ Hải quân báo tin Đô đốc Yamamoto tử trận.
Ngày 20/4, một đội tìm kiếm Nhật tìm thấy xác chiếc G4M số 1 cùng 11 tử thi. Báo cáo viết: “Đô đốc Yamamoto chết ở tư thế ngồi, mặc quân phục xanh cỏ, tay đi găng trắng, tay trái nắm đốc kiếm, đầu trần. Ông chết do trúng đạn trước khi máy bay rơi.”. Một tàu vớt ngư lôi chở các thi hài về căn cứ rồi hoả táng. Các hộp tro xác được một thiết giáp hạm chở về Nhật. Mọi tin tức đều được giữ kín.
Về phía Mỹ, họ cũng im lìm không có thông cáo gì trước khi người Nhật chính thức xác nhận cái chết của Yamamoto. Trong nhật ký chiến sự của Hạm đội Thái Bình Dương hôm ấy chỉ ghi tóm tắt: “Hôm nay Tổng Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Nhật Bản (có lẽ) đã bị máy bay chiến đấu P-38 của ta bắn chết trên vùng trời Bougainville.”
Mãi đến 1 tháng sau (ngày 20/5), phu nhân của Đô đốc Yamamoto mới được báo tin chồng tử trận (IV). Hôm sau, hộp tro xác Yamamoto về đến Tokyo. Lúc này, Nhật mới chính thức công bố bản tin:
“Tổng Tư lệnh Hạm đội Liên hợp, Đại tướng Hải quân Isoroku Yamamoto tháng 4 năm nay trong khi chỉ huy chiến đấu trên máy bay tác chiến với địch, đã không may hy sinh oanh liệt!”.
Tro cốt của ông được tách ra làm 2 phần để tổ chức 2 tang lễ. Một tổ chức ở Tokyo - nơi ông được an táng theo nghi thức quốc tang (trong lịch sử Nhật Bản, chỉ có 12 người có vinh dự được hưởng điều này) cạnh người tiến bối là Đô đốc Togo Heihachiro (V). Phần tro cốt còn lại được mang về quê hương ông, an táng tại quê nhà. Trong lịch sử, ngoài Đô đốc Nelson của Anh tử trận trong trận Trafalgar cho đến lễ tang của Yamamoto, chưa bao giờ có cảnh cả nước cùng đề tang 1 người sâu sắc như vậy (à, sau này còn cụ Giáp nhà mình nữa). Ông được Nhật Hoàng truy phong Đại Đô Đốc và truy tặng nhiều huân chương.
Vậy là trận không chiến ngắn ngủi ngày 18/04 ấy (diễn ra chỉ trong 2 phút 47 giây) với thiệt hại vỏn vẹn 2 chiếc G4M cho phía Nhật Bản (6 chiếc Zero đều an toàn trở về sau khi bắn hạ 3 chiếc P-38), nhưng lại để lại những mất mát và nỗi đau khôn tả. Có thể nói, đây cũng chính là 1 trong những bước ngoặt lớn trên mặt trận Thái Bình Dương, đánh dấu sự suy yếu toàn diện của đế quốc Nhật Bản trước Hoa Kỳ.
Tuy đã hơn 70 năm trôi qua, nhưng sự kiến “ám sát” Đô đốc Yamamoto vẫn để lại những câu hỏi “TẠI SAO” bí ẩn không có lời giải.
1. TẠI SAO YAMAMOTO PHẢI ĐÍCH THÂN CÓ CHUYẾN THỊ SÁT NÀY?
Đây là câu hỏi chính mà nhiều sử gia đã đặt ra ngay khi tiếp cận vụ “ám sát”. Họ không hiểu sao người Nhật lại làm như vậy, một hành động quá đỗi nguy hiểm khi chiến sự đang hồi khốc liệt nhất. Có cần thiết phải có chuyến thị sát của 1 sĩ quan cao nhất, nắm toàn bộ vận mệnh Hải quân đến tận vùng biên ải xa nhất mà quân Nhật đồn trú hay không?
Và giả thuyết lớn nhất mà họ thu được từ lời kể của những nhân chứng sống sót sau chiến tranh và các văn bản lưu trữ nghiêng về mục đích chuyến đi. Đây không phải 1 chuyến thị sát thông thường, mà nó đóng vai trò tối quan trọng trong việc vực lại tinh thần của Hải quân Hoàng Gia sau trận Midway. Với 4 mẫu hạm chủ lực bị đánh chìm cùng toàn thể chiến đấu cơ và đặc biệt là sự mất mát đến không thể hồi phục của gần 400 phi công tinh nhuệ trong trận Midway, đã khiến tinh thần tướng sĩ Nhật xuống đến mức chưa từng có. Tệ hơn nữa, nó làm những mâu thuẫn của tầng lớp sỹ quan cao cấp vốn trước đó khá lắng dịu sau sự hợp nhất dưới quyền Yamamoto nảy sinh trở lại và nhanh chóng tăng cao. Họ bắt đầu có thái độ nghi kỵ, chỉ trích và đổ lỗi lẫn nhau.
Chính vì thế, chuyến thị sát của Yamamoto không chỉ nhằm vạch ra các kế hoạch quân sự, mà nó còn là để lấy lại niềm tin và tinh thần chiến đấu cho các binh sĩ vốn vẫn chưa hết bàng hoàng sau những thất bại cay đắng vừa qua. Bên cạnh đó, nó sẽ giúp ông xoa dịu mối bất hoà giữa tầng lớp các sĩ quan Nhật cùng hướng đến mục đích chung trong những trận chiến sắp tới. Nếu Yamamoto không đích thân đi, thì còn ai có thể làm được 2 mục đích này?
2. SỰ CHỦ QUAN ĐẾN MỨC KHÓ HIỂU VỀ HỆ THỐNG MẬT MÃ NHẬT
Có thể nói, hệ thống mật mã Nhật gần như là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại khủng khiếp của chính họ trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Những thắng lợi mang tính bản lề của hải quân Mỹ đạt được trước Nhật Bản như ở trận chiến biển San Hô, trận Midway hay cái chết của vị Đô đốc mà họ kính yêu đều có sự đóng góp bởi hệ thống mật mã Nhật.
Trước hôm Yamamoto bị ám 4 ngày, một tổ tình báo giải mã của hải quân Mỹ đóng tại 1 hẻm núi trên quần đảo Aleutians bắt được 1 bức điện báo của Nhật. Bức điện đóng dấu “tối mật” có nội dung như sau:
“Tướng quân GF (tức Yamamoto), lúc 8:00 ngày 18/4 sẽ đáp máy bay từ Rabaul đến Bougainville trên 2 phi cơ tấn công Mặt đất Kiểu 1 (tức loại Mitsubishi G4M). Đội hộ tống gồm 6 chiếc Zero. Phi đội đến nơi lúc 9:45, di chuyển bằng tàu ngầm đến Shortland. 11:30 đến nơi.”
Đây là sự chủ quan đến mức “không tưởng” khi tiết lộ hành trình đi lại của 1 tướng quân trong thời chiến đến mức chi tiết. Có người cho rằng người Nhật chủ quan vì loại mật mã JN-25 (Japanese Navy-25 Code) của họ là tối mật, khó ai có thể giải. Thực tế cho thấy điều đó không sai, cùng với Enigma của Đức, JN-25 của Nhật là bộ mã rất phức tạp khi thường xuyên thay đổi “code book” và kết hợp cả những ký tự Nhật (kanji) trong hệ thống mã hoá. Bên cạnh đó, muốn đọc được mã phải có cả “sách ám hiệu” hay còn gọi là “cipher book” trong tay. Nhưng hải quân Nhật có lẽ đã không lường tới 1 tình tiết: đó là khi đối phương bắt được toàn bộ hệ thống mật mã này (VI). Và đó là chìa khoá bản lề cho những chiến thắng sau này của phe Đồng Minh. Như trong 1 lá thư tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng George Marshall đã viết:
“Trận đánh Biển San Hô đã đạt được trên cơ sở ta đã giải mật được những tin tức của Hải quân Nhật. Từ đó, số chiến hạm ít ỏi của ta đã được đặt vào đúng nơi, đúng lúc và đúng thời điểm.”
Cũng nhờ giải mật được toàn bộ hệ thống mật mã Nhật, mà mọi chiến lược, hoạch định của Yamamoto gần như luôn nằm trên bàn phân tích của các tướng lĩnh Mỹ.
Vậy tại sao sau khi đã bị lộ, người Nhật lại không thay đổi hệ thống mã?
Câu trả lời là vì người Mỹ quá cáo già khi những chiến thắng của họ… luôn được “thể hiện” dưới góc độ mà người ngoài nhìn vào dễ cho là may mắn. Ngay cả phi vụ “ám sát” Yamamoto, vốn được chuẩn bị kỹ lưỡng đến tận răng, nhưng đô đốc Chester Nimitz vẫn không quên ghi chú thêm 1 lệnh quan trọng: “phải làm sao như tình cờ chúng ta bắt gặp Yamamoto”. Chính vì thế, họ không huênh hoang. Các phi công cũng không được phép hé răng về nhiệm vụ. Mãi đến khi Nhật chính thức tuyên bố về cái chết của ông, người Mỹ mới lên tiếng.
Haiz… quả đúng như ông bà ta nói: “Ở đời, không sợ thằng ngu, cũng không sợ thằng khôn. Chỉ có thằng khôn mà giả ngu mới thực là đáng sợ!”
3. SỰ TÁC TRÁCH CỦA KẾ HOẠCH BẢO VỆ
Nếu kế hoạch thị sát tiền quân của Đô đốc Yamamoto theo luận điểm 1 là hợp lý? Vậy tại sao cách thực hiện lại sơ sài đến mức khó tin như vậy khi đội hộ tống chỉ gồm 6 chiến đấu cơ Zero? Tại sao không dùng 1 lực lượng hộ tống nhiều hơn, hoặc sử dụng tàu đường hàng hải thay cho đường không vốn nguy hiểm hơn?
Dĩ nhiên, việc dùng đường biển thay vì hàng không cho chuyến thị sát, với Yamamoto là an toàn nhất bởi ngoài soái hạm Musashi, ông còn lực lượng các khu trục & tuần dương hạm hộ tống. Tuy nhiên, khả năng dùng 1 hạm đội cho chuyến thị sát bị bác bỏ ngay. Vì nếu thế, thì tính chất của chuyến đi sẽ không còn ý nghĩa như nó dự định. Nến nếu phải huy động cả hạm đội cho 1 chuyến thị sát, cổ vũ sĩ khí tướng lĩnh thì có lẽ chuyến đi đã không còn tác dụng.
Vậy tại sao không sử dụng lực lượng hộ tống nhiều hơn mà chỉ vỏn vẹn 6 chiến đấu cơ?
Hoặc sẽ có 1 đoàn hộ tống khác phối hợp đón đoàn tại điểm chốt là không phận đảo Bougainville?
Với tôi, đây là 2 câu hỏi thực sự khó hiểu. Và với giới nghiên cứu, nó sẽ mãi mãi là 1 bí ẩn.
Vẫn biết với 6 chiến đấu cơ hộ tống là 6 phi công ACE, và là những phi công tinh nhuệ nhất của Hải quân Nhật Bản. Và thực tế đã chứng minh, họ là những phi công quá thiện chiến khi bắn hạ 3 chiếc P-38 mà không mất đi 1 người nào. Nhưng chỉ dùng 6 chiếc Zero để bảo vệ cho 2 chiếc G4M thì quả là 1 tỷ lệ đáng sợ nếu so với lực lượng tấn công của Mỹ. Ở phi vụ này, Mỹ sử dụng 18 chiếc P-38 (gấp 3 lần số chiến đấu cơ Nhật), chia làm nhiều nhóm với chiến thuật rất cụ thể. Nhóm mồi nhử, nhóm tấn công và nhóm trù bị.
Nhiều người trách các phi công Nhật đã quá dễ dàng khi bị mồi nhử lừa ra khỏi vùng yểm hộ. Nhưng với số lượng quá ít ỏi, chỉ 6 chiếc… họ phải làm sao khi phát hiện nhiều toán máy bay địch đang chuẩn bị tấn công? Trong thực tế không chiến, để yểm trợ cho 1 toán tải vận thành công thì số máy bay yểm trợ thường phải nhiều hơn so với số máy bay tấn công.
Một giả thuyết khác tạm cho là lớn nhất, đó là do tính chất “tuyệt mật” của chuyến đi, nên Yamamoto không sử dụng nhiều hộ tống. Nhưng vô hình chung, điều này lại dẫn đến bi kịch cho chính ông.
4. SỰ KHINH ĐỊCH TRƯỚC 1 ĐỐI THỦ LỚN
Đây có lẽ là lý do lớn nhất khiến người Nhật phải trả giá. Dĩ nhiên, không phải người Nhật không nghĩ đến những giả thiết Yamamoto bị phục kích, nhưng họ cũng có lý do để tin rằng người Mỹ không thể thực hiện điều này.
+ Người Mỹ không biết về chuyến thị sát. Hoặc nếu biết thì họ cũng không có loại máy bay nào của Mỹ trữ đủ dầu để thực hiện phi vụ này. Ngay cả những chiếc P-38 với thân kép, vốn dùng cho những trận chiến xa của không quân Hoa Kỳ cũng không thể đủ dầu cho khoảng cách từ căn cứ Guadacanal của họ đến quần đảo Bougainville. Thế nhưng, bằng nỗ lực không tưởng, người Mỹ đã cải tạo lại 18 chiếc P-38 dùng trong chiến dịch chỉ trong 3 ngày. Họ loại bỏ tất cả những thứ không cần thiết trên máy bay để tận dụng tối đa cho việc gia tăng kích thước của thùng nhiên liệu phụ. Bên cạnh đó là đề ra 1 chiến thuật bay hoàn hảo để có thể đến được điểm hẹn. Những chiếc P-38 ở 90% hành trình đều bay dưới độ cao cực thấp và giữ đều vận tốc để tiêu tốn nhiên liệu ít nhất. Khi đến gần điểm hẹn mới bất ngờ tách nhóm và vọt lên cao.
+ Để phục kích được chuyến thị sát của Yamamoto, đòi hỏi 1 sự chính xác tuyệt đối về thời gian để có mặt tại điểm hẹn. Bởi đây không phải 1 cuộc phục kích tại 1 điểm có sẵn, mà bên phục kích cũng phải khởi hành từ 1 nơi cách điểm hẹn đến hàng ngàn cây số. Không gian bao la, lại là 3 chiều… trong khi tất cả những vấn đề còn lại đều chỉ là sự phán đoán trên giấy tờ. Ví dụ như đoàn thị sát của Yamamoto sẽ bay ở tầm cao nào, vận tốc bao nhiêu, thời tiết có gì trở ngại không, có đến đúng giờ hay không… Tất cả đều là sự mông lung khi bạn là phi công trên 1 chiếc P-38 thực hiện phi vụ lịch sử này. Đó là chưa kể đến các áp lực khác như cảm giác nóng bức như thiêu đốt trong lò - như lời 1 phi công Mỹ sau này kể lại (vì P-38 được thiết kế cho việc không chiến ở tầm cao, nên hãng chế tạo Lockheed Martin đã không trang bị quạt thông gió trong buồng lái. Hay những nỗi lo lắng khi họ (vì 1 lý do gì đó) mà không đủ nhiên liệu để trở về…
Thế nhưng, như 1 chương phóng sự của kênh truyền hình National Geographic làm kết luận: người Mỹ đã biến tất cả những điều tưởng chừng không thể thành có thể, cộng thêm lòng dũng cảm và 1 chút may mắn… những phi công trên chiếc những P-38 ấy đã có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, và của cả cuộc chiến.
© son.le
Saigon / 2Ol7
Saigon / 2Ol7
© Tranh của Roy Grinnell
© Tài liệu tham khảo:
(1) Yamamoto: Con rồng Thái Bình Dương (Nguyễn Vạn Lý)
(2) Get Yamamoto (David Burke)
(3) Cái chết của Yamamoto (NXB Sông Kiên)
(4) Một vài nguồn khác như wiki, warhistory...
(2) Get Yamamoto (David Burke)
(3) Cái chết của Yamamoto (NXB Sông Kiên)
(4) Một vài nguồn khác như wiki, warhistory...
Ở 1 bài khác, tôi sẽ kể chi tiết hơn về kế hoạch bắn hạ Đô đốc Yamamoto của Hải quân Hoa Kỳ! Nó cũng rất thú vị!
//
+ Chú thích:
(I) - Trên chiếc G4M số 1, ngồi cùng với Yamamoto còn có đô đốc quân y Takata. Trên chiếc “Betty” thứ 2 có Tham mưu trưởng của Yamamoto là Đô đốc Matome Ugaki (Ugaki sống sót sau vụ ám sát này, về sau này ông trở thành cha đẻ của chiến thuật thần phong - kamikaze) và đề đốc hải quân Kitamura.
(II) - Soichi Sugita là một trong những ACE hàng đầu của Hải quân Hoàng gia Nhật Bản, với 70+ chiến công. Khi chiếc G4M của Yamamoto bị những chiếc P-38 bắn hạ, Sugita cũng vừa kịp bắn rơi 2 chiếc P-38 (mà sau đó phía Mỹ xác nhận chỉ có 1). Một chiến công vô nghĩa mà ông không bao giờ muốn nhắc lại! Sugita hy sinh ngày 15/4 năm 1945 khi phi cơ của ông đang chạy đà trên đường băng thì bị Trung tá Robert "Doc" Weatherup bắn lén từ phía sau.
(III) - Kenji Yanagida là phi công duy nhất trong 6 người hôm đó sống sót sau cuộc chiến. Số chiến công của ông dừng lại ở số 26 (sau khi mất tay phải trong phi vụ cuối cùng). Sau chiến tranh, ông giữ im lặng cả đời và luôn cho rằng mình phải chịu trách nhiệm trong vụ để Đô đốc bị ám sát hôm ấy mỗi khi có ai nhắc lại.
(IV) - Có lẽ, nhận biết thấy mình đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời, đêm trước đó Yamamoto đã viết một bức thư cuối cùng cho vợ, trong thư có kèm bản "Hòa Ca" và một nắm tóc của mình.
(V) - Togo Heihachiro: phong Hầu tước, Đại Đô Đốc hải quân, người anh hùng trong trận chiến Mãn Châu đã chôn vùi hạm đội Sa Hoàng trong trận hải chiến eo biển Đối Mã. Ông là một trong những anh hùng thủy tướng vĩ đại nhất của đất nước mặt trời mọc và được thờ như một vị thần cấp tòng nhất vị. Sau trận Đối Mã, báo chí phương Tây đặt cho ông biệt hiệu "Nelson của phương Đông".
(VI) - Tháng 2/1942… người Mỹ như vớ được vàng khi được trao lại 1 chiếc tàu ngầm gần như nguyên vẹn của Nhật từ hải quân New Zealand. Đó là chiếc tàu ngầm I-17, bị chiếc HMNZS TUI của New Zealand đánh chìm và sau đó mắc luôn vào lưới rà thuỷ lôi của chiếc khu trục. Trên chiếc I-17, người Mỹ thu được gần như toàn bộ hệ thống mật & giải mã JN-25.
ABOUT THE AUTHOR
Lịch sử quân sự, nghê thuật chiến tranh và những tướng lĩnh kiệt xuất
0 nhận xét:
Đăng nhận xét