[Bình Luận] Bài Hán, bài Tàu một các mù quáng
Ở bài này, chúng tôi xin tạm gạt sang 1 bên việc tranh luận về vấn đề "có nên đưa tiếng Hán vào giảng dạy" hay không? Mà cái chính chúng tôi muốn nói đến thái độ bài Hán, bài Tàu một cách mù quáng.
Không phải vô nguyên vô cớ mà cha ông chúng ta, muốn kháng Pháp phải sang tận Pháp, nếm mật nằm gai ở đó. Muốn thoát khỏi kẻ thù, điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải hiểu tận chân tơ kẽ tóc về chúng.
Một bài viết rất hay của Trần Quang Đức, tôi xin trích lại:
HÁN NÔ?
Việc có nên học Hán Nôm hay không, tôi đã khép lại. Nhưng qua comment của một cơ số bạn với kiểu tranh luận thiếu văn hóa, chụp mũ HÁN NÔ, tôi thấy lại càng phải xoáy sâu hơn nữa về cái khái niệm HÁN, đi đến tận cùng cái tâm lý sợ hãi, ghẻ lạnh này.
Người Việt thường chỉ biết Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mà không biết Nam Hán khi đó chỉ là một nước nhỏ phía nam, có tên Đại Việt trước khi đặt quốc hiệu Nam Hán vào năm 918 (Xem sách Nam Hán kỷ). Chỉ biết nền văn hóa của người Việt trước Bắc thuộc là văn hóa Đông Sơn, văn hóa của các ông vua Hùng, mà không biết giới khảo cổ hiện nay đã tìm thấy gần chục chiếc trống Đông Sơn giai đoạn sớm đã sử dụng văn tự mà nay gọi là chữ Hán
Trong khi, vua quan trí thức thời Nguyễn thì gọi người Việt là Hán nhân, Hán dân, triều đình Choson ở bán đảo Triều Tiên gọi kinh thành Seoul là Hán thành, con sông chạy qua Hán thành là Hán giang... Đủ biết khái niệm Hán trước thế kỷ XX, trước khi có khái niệm dân tộc (do trí thức Nhật Bản đặt ra vào cuối tk 19), còn mang hàm ý văn minh.
Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) nhận định: người ở nước trung tâm gọi là người Hán (Gia Định thành thông chí).
Thị lang bộ Hộ thời Lê Thánh Tông là Nguyễn Xung Sác (1451- ?) họa thơ vua, ca ngợi:
Trong tiếng sáo đàn Chu lễ nhạc;
Trên thềm áo mão HÁN VĂN MINH
(ảnh minh họa).
Trên thềm áo mão HÁN VĂN MINH
(ảnh minh họa).
Xa hơn nữa, Hồ Quý Lý viết: Khách hỏi tục An Nam, An Nam phong tục thuần, Áo mũ Đường chế độ, Lễ nhạc Hán quân thần...
Nhận thức phong kiến trước thế kỷ XX, nếu không được nghiên cứu bằng tinh thần khách quan, khoa học, mà lại diễn giải bằng tinh thần dân tộc hẹp hòi, sẽ không tránh khỏi sự gán ghép "nhà Nguyễn vong bản" như trước đây, hay cách gọi "Hán nô" như hiện nay.
Ở đây, cần kể một một câu chuyện liên quan đến nhận thức về văn minh Hán như thế này.
Đầu thế kỷ 17, người Mãn Thanh đánh thắng nhà Minh, vào làm chủ Trung Quốc. Người Minh bị ép phải cạo tóc, tết đuôi sam, phải đổi sang mặc trang phục Mãn. Trong khi, người Việt cùng người Triều Tiên vẫn giữ nguyên trang phục theo lề lối "Hán văn minh". Thời kỳ đầu, khi các sứ thần tới Bắc Kinh, "người trên phố thấy y phục liền ngậm ngùi nhớ đến áo mũ Hán, đến nỗi có người rơi nước mắt" (Sách Yên đồ kỷ hành).
Hay "Nước Nam ta trang phục vẫn như xưa. Sau này sứ nước ta đến Bắc Kinh, phụ lão trung quốc thấy trang phục của sứ ta đều rơi nước mắt.” (Sách Nam sử tư ký) v.v...
Đó là tình trạng đầu thời Thanh. Nhưng một hai trăm năm sau, khi người Thanh đã được tẩy não bằng "nhận thức Mãn", đã hoàn toàn quên mất truyền thống Minh, ai nấy đều coi tóc đuôi sam, áo mã quái là quốc tục. Bấy giờ, sứ thần Việt thì cảm khái rằng do thói tục man di thay đổi người ta gớm quá, còn sứ thần Triều thì than rằng người Thanh đã "vong bản"!
Sứ thần nhà Nguyễn, Bùi Tự trong Du hiên tùng bút viết:
"Từ khi triều Thanh làm chủ Trung Quốc, bốn phương phải cạo tóc, đổi y phục. Hai trăm năm trở lại đây, tai mắt người ta đã quen cả [...] không còn nhận ra kiểu dáng Hoa Hạ ngày xưa. Sứ nước ta tới Yên Kinh, đội mặc phẩm phục, có kẻ nhận ra trộm ngưỡng mộ Hoa phong. Nhưng bọn bất trí, phần nhiều túm tụm cười đùa, thấy mũ Phốc Đầu, Võng cân, đai áo bèn chỉ trỏ cho là kiểu cách tuồng chèo. Cái thói rợ Hồ thay đổi con người ta đến mức phải ta thán như vậy đấy”
Sứ thần Triều Tiên là Hong Dae Yong (Hồng Đại Dung) trong Trạm hiên yên ký ghi lại:
"Áo mũ trung quốc thay đổi đã hơn trăm năm rồi. Nay thiên hạ riêng phương đông ta đại để còn giữ lại quy chế xưa, mà đến khi vào trung quốc, lũ vô tri đều cười cợt cả. Than ôi! Chúng vong bản vậy! Thấy đai mũ thì bảo giống tuồng chèo, thấy đầu tóc thì bảo giống phụ nữ, thấy áo tay thụng thì bảo giống nhà sư!"
Câu chuyện xưa nay khác nhau, nhưng lại chung một quá trình, một kết quả: Nhất thể hóa và tẩy não. Sự thay đổi về nhận thức nhiều khi diễn ra một cách cưỡng bức, chứ không phải thứ gì cũng "do dân tộc lựa chọn" đâu. Và việc nhìn nhận mọi sự biến thiên như đúng những gì nó đã xảy ra là đích đến của khoa học lịch sử. Còn như khái niệm HÁN, thực không ngoa khi nhận định rằng: trong lịch sử, lần đâu tiên người Việt chống xâm lăng phương bắc bởi một thế hệ tự ru ngủ bằng tinh thần dân tộc, một thế hệ không hiểu gì về Hán, về Tàu nhưng lại cứ nghĩ đã tận tường chân tơ kẽ tóc, một thế hệ trí thức không thể đọc nổi các văn bản viết về lịch sử của chính dân tộc mình.
Một khi tâm lý bài HÁN còn (bài Trung Cộng lại là chuyện khác) thì các thể loại phim truyện lịch sử đừng hòng phát triển. Cứ kêu dân không thuộc sử TA. Trong khi nhận thức về TA vẫn còn đang khủng hoảng. Cứ huyễn hoặc nhau bằng tinh thần dân tộc nhược tiểu. Cứ giằng xé trong nỗi ám ảnh giống Tàu, để rồi càng tránh giống Tàu xịn thì lại càng giống Tàu đểu, rốt cuộc chẳng thoát đi đâu được.
© Trần Quang Đức
© Ảnh minh họa:
© Ảnh minh họa:
-Nguyên văn câu thơ chữ Hán của Nguyễn Xung Sác:
"Quản thược thanh trung Chu lễ nhạc;
Y quan hội thượng Hán văn minh".
"Quản thược thanh trung Chu lễ nhạc;
Y quan hội thượng Hán văn minh".
- Chân dung các ông Nguyễn Quý Kính, Trịnh Đình Kiên, Nguyễn Phúc Thuần thời Lê (thế kỷ 17-18).
- Chân dung các ông Thân Văn Nhiếp, Nguyễn Bá Nghi, Nguyễn Văn Siêu thời Nguyễn (thế kỷ 19).
ABOUT THE AUTHOR
Lịch sử quân sự, nghê thuật chiến tranh và những tướng lĩnh kiệt xuất
0 nhận xét:
Đăng nhận xét