Nữ thiện xạ Nina Alexeyevna Lobkovskaya (89 kills)



“Tôi sinh tại Siberia. Mẹ tôi là giáo viên và cha tôi – một kỹ sư mỏ”, Nina Lobkovskaya tự giới thiệu về mình như thế. 

“Nhà tôi có 5 anh chị em, và tôi là con lớn nhất. Vào những năm 30, gia đình tôi chuyển tới Tajikistan ở Trung Á, vì cha tôi ốm và bác sĩ khuyên ông nên tới nơi có khí hậu ấm áp. Tajikistan lúc ấy là một nước cộng hòa Xô viết. Tôi kết thúc những năm trung học ở đó rồi ra mặt trận”. 

Giống như những người cùng tuổi, Nina đã ước mơ được học tiếp và bà định học tại một trường đại học kỹ thuật. Chiến tranh đã làm thay đổi mọi thứ. “Chiến tranh luôn làm tổn thương tất cả chúng ta. Những người thanh niên yêu nước và nóng lòng muốn bảo vệ Đất Mẹ. Chúng tôi thiết tha mong được chiến đấu”.

Nina Lobkovskaya viết trong hồi ký của bà: “Lúc đầu chúng tôi chỉ mới biết về cuộc chiến qua những bài báo và bản tin radio, và chúng tôi nghĩ rằng chỉ cần chưa đầy một năm là quân địch sẽ bị đẩy lùi. Nhưng bọn Quốc xã tiến tới ngoại ô Moskva một cách nhanh chóng trước khi chúng bị ngăn lại. Vào mùa thu năm 1941, thành phố của chúng tôi bắt đầu đón nhận những người sơ tán, rồi sau đó là những đoàn quân nhân bị thương. Rồi những người tôi quen, từng người một lên đường ra mặt trận. Cha tôi ra mặt trận năm 1942”. 

Không lâu sau đó, xạ thủ súng máy Alexei Lobkovsky (cha của Nina) anh dũng hi sinh trong trận đánh bảo vệ thành phố Voronezh.

“Lòng căm thù quân giặc sôi lên trong con người tôi. Chính lòng căm thù đó thôi thúc quyết tâm gia nhập quân đội của tôi. Nhưng mọi việc không đơn giản bởi khi ấy, phụ nữ không được khuyến khích ra mặt trận”.

Để tiến gần hơn đến mong muốn của mình, cô gái 17 tuổi Nina vào học trường y và chăm sóc những thương binh trong một bệnh viện. Tháng 10 năm 1942, giấc mơ ấp ủ bao lâu của Nina đã thành sự thật khi cô được cử đến học tại một ngôi trường đào tạo lính bắn tỉa nữ mới được thành lập tại làng Veshnyaki, gần Moskva. 

300 cô gái đủ tiêu chuẩn sức khỏe được chọn để học. Nhiều người đã mất tin tức với người yêu ở mặt trận hoặc họ đã hi sinh. Và tất cả họ, giống như Nina, đều khao khát được ra mặt trận. Mùa đông năm 1942 thật khắc nghiệt. Mỗi ngày các cô gái phải học từ 10 tới 12 tiếng, Nina và những đồng chí học trườn bằng bụng, đào hào chiến đấu, ngụy trang và bắn vào những mục tiêu di chuyển. Sau 9 tháng, họ tới chiến trường. 

“Cuối cùng thì cái ngày chúng tôi mơ ước đã đến”. Nina Lobkovskaya viết: “Khi ánh nắng lấp lánh chiếu lên khung cửa sổ, với ba lô, súng bắn tỉa và áo khoác được cuốn sau lưng, chúng tôi hành quân qua những con phố của Moskva tới nhà ga Riga, hát bài hát “Tạm biệt thành phố mến yêu ơi”… Nhóm 50 nữ thiện xạ được biên chế vào đạo quân số 3 tại mặt trận Kalinin. Sau đó cấp trên đưa ra một quyết định thành lập đội lính bắn tỉa từ nhóm này và điều họ tới những nơi cần họ nhất. Trong một nghi thức đặc biệt, mỗi nữ thiện xạ đều chạm vào cuốn sổ tay được dùng để ghi nhận mỗi phát bắn vào quân thù, và cầu nguyện tất cả những phát bắn sẽ đều chính xác. Và điều đó là khởi đầu tại mặt trận trong tiểu sử của người nữ anh hùng Nina Lobkovskaya…

“Khi mới đến, chúng tôi dành hẳn vài ngày để quan sát những vị trí cố định của chiến tuyến địch”, Nina Lobkovskaya hồi tưởng. "Lúc trở về trại vào ban đêm, trí óc chúng tôi ghi nhớ những hình ảnh của địa hình trong mọi chi tiết, mọi chiếc lá, mọi trảng cỏ. Và khi chúng tôi trở lại vị trí quan sát vào sáng hôm sau, chúng tôi nhận ra mọi thay đổi, kể cả nhỏ nhất. Kĩ năng quan sát mà chúng tôi học được ở khóa đào tạo tỏ ra rất hữu dụng”. Bên cạnh đó, một kỹ năng bắt buộc mà người thiện xạ phải có khác là khả năng bắn trúng mục tiêu. Một thiện xạ không thể mắc lỗi. Mỗi cô gái trong đại đội lính bắn tỉa đều háo hức được lập chiến công. 

Và cơ hội đã nhanh chóng đến. Thử thách đầu tiên cho đại đội bắn tỉa này là yểm trợ cho những người lính trinh sát Xô Viết tấn công thăm dò vào hậu phương địch. Trong tháng đầu Nina Lobkovskaya đã tiêu diệt sáu lính và sĩ quan địch. Một tờ báo chiến trường viết về bà: "Nina Lobkovskaya có con mắt sắc và bàn tay vững chắc. Những phát bắn của cô chưa bao giờ trật. Hàng tá quân nhân Quốc xã đã bị tiêu diệt vì lòng can đảm của nữ thiện xạ". Cho tới tháng 5 năm 1945, bọn quốc xã bị tiêu diệt trong cuốn sổ theo dõi của Nina tăng tới 89. Đó là chiến công của riêng bà, nhưng chỉ là sự báo thù nhỏ so với những gì mà Nước mẹ yêu dấu của bà phải trải qua. 

Một sự kiện mà bà nhớ mãi: “Nó đã xảy ra ở vùng Kalinin”, Nina Lobkovskaya hồi tưởng. “Tôi và một đồng đội được cử đến nơi mà những người lính của chúng tôi luôn bị bắn tỉa mỗi ngày. Không ai nói được bọn địch bắn từ đâu. Cúng tôi bắt đầu quan sát. Chúng tôi dành một tuần, kiểm tra địa hình khu vực một cách kĩ lưỡng. Chúng tôi bắt đầu quan sát trước khi mặt trời mọc, nên quân địch không thể phát hiện ra chúng tôi. Và một ngày, thật bất ngờ, tôi nhìn bằng ống ngắm và phát hiện ra một tên Đức mặc áo trắng, áo khoác cổ đứng phủ lên chân và đội mũ lưỡi trai. Tôi rất sốc vì hắn ở rất gần! Tôi ước lượng khoảng cách và nhắm bắn. Đó là một phát bắn quá vội vàng, viên đạn chỉ phá nát miếng kim loại vành mũ của hắn. Hắn nhanh chóng nhận ra viên đạn đó đến từ một người lính bắn tỉa, hắn dứ nắm đấm về phía tôi và biến mất sau lớp ngụy trang. Tôi còn nhớ khá rõ về hắn: một thanh niên trẻ, bề ngoài cũng được. Tối đó tôi không thể ngủ được, đầu tôi như căng ra khi tôi cố nhớ lại mọi chi tiết, kể cả nhỏ nhất. Sau đó, một trò chơi săn mồi bắt đầu, mỗi bên vờn lần nhau. Tôi cảm nhận được sự hiện diện của hắn, và hắn cũng vậy, tôi có thể nói như vậy. Trận đọ sức kết thúc sau một tuần. Một ngày tôi không cẩn thận làm hắn phát hiện ra tôi. Hắn nổ súng ngay lập tức. Viên đạn đập vào miếng kim loại phía sau, bắn vào trong mũ sắt và ghim vào thái dương tôi. Khi nhìn thấy máu, tôi chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: Băn trả. Tôi vớ lấy khẩu súng của đồng đội rồi nhắm vào hắn từ một góc khác. Tôi biết hắn sẽ nhảy lên để xem hắn làm được gì tôi. Sau khi hắn nhảy, tôi nhìn thấy vạch sơn trên mũ sắt của hắn thò lên trên bụi rậm. Tôi nhắm vào vạch sơn ấy và bắn. Rồi sau rốt không còn phát bắn nào từ vị trí đó nữa. Sau này tôi mới biết, hắn không phải là một người lính bắn tỉa, mà là một viên sĩ Đức. Tôi cảm thấy rất thỏa mãn, nhưng hình ảnh bàn tay của người sĩ quan Đức siết chặt thành nắm đấm và dứ dứ về phía tôi làm tôi phải nhớ cả cuộc đời”.

Mùa thu năm 1943, đạo quân số 3 tham gia các trận đánh lớn ở phía Tây. Quãng đường hành quân kéo dài qua những vùng đầm lầy khô cạn. "Cuộc hành quân đi bộ và bằng xe rời khỏi những con đường đất và đi qua những vũng lầy dưới những trận mưa rả rích. Ướt mèm và bùn ngập tới gối, chúng tôi nắm lấy cánh tay nhau để khỏi ngủ gật, và nếu có ai đó băt đầu lơ mơ ngủ hoặc gục xuống thì người đi ngay cạnh giúp vực anh ta dậy”. Kết quả của cuộc tiến công, những người lính Hồng quân Xô Viết giải phóng thành phố Nevel nằm cách không xa biên giới phía đông Belarus vào tháng 10 năm 1943. Nevel là một vị trí chiến lược quan trọng, và việc giành lại thành phố này từ tay quân thù sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hồng quân trong vùng và khu vực Baltic. 

Bất chấp những đợt tấn công ác liệt từ phía địch, những người lính Xô Viết vẫn bám trụ lại. Và những nữ thiện xạ cùng sát cánh chiến đấu bên cạnh những người đồng đội nam. Chỉ trong một ngày của cuộc tiến công, họ tiêu diệt rất nhiều lính Quốc xã. Trong những phút ngắn ngủi mà tiếng súng im lặng giữa những trận chiến, những nữ chiến sĩ băng bó và chuyển thương binh tới nơi an toàn. Vì chiến công xuất sắc, đại đội nữ thiện xạ được trao danh hiệu Đại đội Cận vệ. Rất nhiều chiến sĩ thuộc đội thiện xạ nữ được trao huân chương, huy chương mà Nina Lobkovskaya là một trong số đó – bà nhận Huân chương Cờ đỏ.

Sau khi đợt tiến công ác liệt trôi qua, đạo quân số 3 bắt đầu phòng thủ. Tất cả những nữ chiến sĩ bắn tỉa đều được nghỉ phép một tháng, chỉ trừ Nina Lobkovskaya, bởi bà được chỉ định ở lại chỉ huy một trung đội mới được tăng viện. “Tôi cảm thấy khó chịu và bị tổn thương, vì tôi không thể về gặp gia đình. Nhưng chẳng có gì thay đổi, nên tôi kéo những “người lính bắn tỉa của tôi” tới quân đoàn tiếp viện”. Tất cả những cô gái mới đến đều tự nguyện ra mặt trận, họ tới từ nhiều vùng khác nhau của Tổ quốc, thuộc nhiều dân tộc khác nhau, nhưng lại có nhiều nét tương đồng, thậm chí chúng tôi như một gia đình, chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn. “Sau khi chúng tôi quay trở về từ mặt trận, chúng tôi lại ngồi với nhau trong hầm trú ẩn và hát. Những cô gái ấy hát khá hay và họ hay hát những bài hát chiến tranh, thi thoảng một vài bài tình ca. Họ còn hát những bản dân ca vui nhộn và thậm chí bịa ra lời mà hát. Và cuối cùng, họ hát về những khẩu súng của họ, vật mà chúng tôi đã gìn giữ như con ngươi của mắt mình, không lúc nào rời thậm chí là cả khi đi ngủ”.

Trong một lá thư gửi về nhà, Nina viết: “Gửi mẹ, các em gái Zoya, Raya, Irochka và cậu em trai nhỏ bé Kolya! Hôm nay thật là một ngày hạnh phúc. Sau những trận chiến dài và ác liệt, con nghỉ ngơi và được thưởng 4 huân chương – Huân chương Danh dự. Con đã nói về nó trong những lá thư trước. Con khỏe, đừng lo lắng gì về con cả... Gửi mẹ và các em tình yêu và những nụ hôn. 

“Những người đồng chí nam tốt tới mức chúng tôi không thể tin được”, Nina Lobkovskaya nói, “đặc biệt là những người lính trinh sát cùng tuổi với chúng tôi. Một số cô gái đã phải lòng những người lính trinh sát hoặc pháo binh, và nhiều người đã làm đám cưới. Tôi luôn nhớ mãi những kỷ niệm ấm áp nhất với những người lính ấy”. Tuy nhiên, có một số người bày tỏ sự nghi ngờ của họ không giấu diếm. Một Đại tá đã thách thức Nina chứng minh kỹ năng bắn của mình khi thách cô bắn trúng vào một vòng tròn nhỏ trên tờ giấy kích thước bằng băng súng lục ở khoảng cách rất xa. “Nếu cô bắn trúng nó, tôi sẽ cho cô chiếc đồng hồ của tôi”. Lúc đầu, Nina lấy làm ngạc nhiên bởi bà chưa có một cơ hội nào như thế. Không thể từ chối lời, bà cầm lấy khẩu súng ngắn, cẩn thận ngắm bắn và bóp cò. Bà bắn trúng vòng tròn. Tuy không vào giữa nhưng viên Đại tá vẫn thực hiện lời hứa của mình và trao cho bà chiếc đồng hồ của ông.

Trong một trận chiến ác liệt tại vùng Baltic năm 1944, Nina bị thương nặng ở chân và được chuyển vào bệnh viện quân y, rồi sau đó bà trở về đơn vị cũ để tiếp tục chiến đấu – đầu tiên là trên đất Ba Lan, và sau đó và nước Đức. Bà viết trong cuốn hồi ký: “Những người lính thuộc phương diện quân Belarus số 1 vượt qua biên giới Đức vào ngày 29 tháng 1 năm 1945. Một trong những dấu hiệu cuộc tiến công nhắm thẳng vào Berlin là một tờ tranh cổ động lớn với những dòng chữ nằm trên nó cùng bàn tay lớn và đầy chai của ai đó: “Chúng mày đây rồi, bọn phát xít bất lương chết tiệt!”… Tất cả chúng tôi đều rất hạnh phúc vào những ngày ấy, khi được tấn công kẻ địch ngay trên sào huyệt của chúng”.

Khi chiến đấu, những nữ chiến sĩ luôn mơ về Ngày chiến tháng, ngày mà họ có thể trở về quê, rời bỏ bộ quân phục và mặc những bộ váy hè nhẹ nhàng. Và họ hết sức nỗ lực để biến mơ ước của mình thành hiện thực. Phát xít Đức đầu hàng vào ngày 8 tháng 5 năm 1945. 

“Ngày Chiến thắng, ngày mà chúng tôi mong ước bao năm qua, cuối cùng đã tới… Mọi người khóc trong sự sung sướng và ôm hôn những người khác để cảm nhận hạnh phúc đang dâng tràn trong họ. Và người đầu tiên thông báo tin đó được nhấc bổng và tung lên bởi hàng tá cánh tay giữa những lời reo hò vui sướng: “Hoan hô! Hoan hô! Chiến thắng!”. Khi ấy, Trung úy Nina Lobkovskaya chỉ mới 20 tuổi. Một nhà thơ chiến trường hồi ấy đã miêu tả bà như sau “chỉ là một cô gái, mũi cao và đôi môi mềm như một đứa trẻ”. Và đó là bà - một cô gái quyến rũ với nụ cười tinh nghịch nhìn bạn từ tấm ảnh cũ. Cùng với bà là “người đồng đội” mà bà mang trên đôi vai mỏng manh vốn dĩ không được phép mang những thứ như vậy – khẩu súng mà bà sử dụng cho tới hết cuộc chiến. Và chiến thắng là phần thưởng lớn nhất của bà.

© Olga Troshina (Đài tiếng nói Liên bang Nga)
© Quang Tiến (nuocnga.net) lược dịch

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

Lịch sử quân sự, nghê thuật chiến tranh và những tướng lĩnh kiệt xuất

0 nhận xét:

Đăng nhận xét