Tại sao Quang Trung đòi Lưỡng Quảng


Đã bao giờ bạn tự hỏi điều đó?
Có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi đó không?
Lịch sử hãy biết đặt câu hỏi, và bạn có thể hiểu nhiều hơn những gì bạn đã có và đang có.
Để hiểu tại sao hoàng đế Quang Trung đòi Lưỡng Quảng chứ không phải đòi Vân Nam, đòi Bắc Kinh. Ta phải lùi lại trước đó 2000 năm.
Năm 257 TCN.
Một nhân vật đến giờ còn gây tranh cãi sẽ xuất hiện ở đây với các bạn hôm nay, đấy là Triệu Đà. Có thực Triệu Đà là giặc? Ông là giặc hay là tổ tiên của chúng ta.
Những gì tôi nói đến sau đây, sẽ tùy vào lăng kính mỗi người, không ép buộc.
***
Người trẻ Việt Nam được học bài đầu tiên về lịch sử nước Nam. Đầu tiên là những câu chuyện về Hồng Bàng, Kinh Dương Vương, Âu Cơ - Lạc Long Quân, rồi đến các vua Hùng. Sau câu chuyện về Vua Hùng sẽ là câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy. Nơi ấy có thành Cổ Loa, có nước Âu Lạc, có Thục Phán An Dương Vương

"Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Đến nỗi cơ đồ đắm biển sâu".
(Thơ Tố Hữu)

"Giặc" trong thơ Tố Hữu chính là Triệu Đà. Triệu Đà đã chiến thắng An Dương Vương, qua đó sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt.
Những gì các bạn đang thấy chính là nước Nam Việt. Hãy xem bản đồ đó và bạn sẽ thấy nước Nam Việt bao gồm những gì: Quảng Đông, Quảng Tây, và miền Bắc Việt Nam bây giờ.
Sử gia Việt Nam trong vòng 2000 năm cho tới thập kỷ 60 của thế kỷ 20 tất cả đều công nhận Triệu Đà. Người công nhận Triệu Đà không phải là người mà các bạn ở đây có quyền chửi bới. Người công nhận Triệu Đà chính là Nguyễn Trãi qua bản Bình Ngô Đại Cáo

"Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nên độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương."

Đinh là ai? Đinh Bộ Lĩnh, Lý là ai? Lý Công Uẩn, Trần là ai? Trần Cảnh - Trần Thủ Độ. Vậy Triệu là ai thế?
Đấy là Triệu Đà.
Bộ Đại Việt sử ký soạn bởi Lê Văn Hưu cũng chép từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Đại Việt sử ký chép lại:
"Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được"
Ngay cả bây giờ, dù sử gia có chép Triệu Đà là giặc. Đền thờ ông vẫn xuất hiện ở một số tỉnh ở miền Bắc. Những bạn đọc bài viết này có đền gần đấy có thể xác nhận.
Giặc hay là tổ tiên?
***
Tiếp tục, năm 111, Nhà Triệu diệt vong, toàn bộ lãnh thổ Nam Việt thuộc về Nhà Hán. Đất Lưỡng Quảng lúc này nằm trong quận Giao Chỉ.
Bạn nghe rõ rồi chứ. Giao Chỉ của các đời Đường, Tùy...vẫn bao gồm cả Quảng Đông lẫn Quảng Tây. Sau này, những Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục ... dựng cờ khởi nghĩa trong khoảng 1000 năm Bắc Thuộc chính là lấy lại Nam Việt ngày nào. Bạn không tin? Năm 43, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, một lực lượng đi theo bà chính là cư dân vùng Hợp Phố - Trung Quốc.
Văn Lang là tập hợp những bộ lạc, Âu Lạc vẫn còn manh mún. Tại sao nước ta 1000 năm vẫn quyết phản kháng? Ngoài văn hóa và con người Giao Chỉ - Việt Nam xưa nay. Có phải cũng vì một đế chế nữa tạo lập nên cho dân vùng đó một sự quật cường đòi lại nguồn gốc không?
Năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán và chấm dứt 1000 năm Bắc Thuộc. Nhưng Ngô Quyền vì lực mỏng chỉ dừng ở Đại La. không tiến ra Quảng Đông - Quảng Tây để lấy lại phần đất đó nữa. Kể từ hôm ấy, Quảng Đông - Quảng Tây dần dần thuộc về Trung Quốc.
Nhưng có 1 người không chấp nhận điều đó.
Đấy là kẻ hùng tài đại lược, bất khả chiến bại sinh ra sau đó 800 năm: Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Bạn hiểu tại sao Quang Trung đòi Lưỡng Quảng rồi chứ? Ai rảnh mà tự nhiên trời ơi đất hỡi đi đòi đất? Và không đòi cái gì lại chọn Lưỡng Quảng mà đòi. Bởi thời đại Quang Trung vẫn coi Triệu Đà là tổ. Và đất của tổ tiên là cần lấy lại.
"Ðất nước Việt Nam có khi thịnh khi suy, lịch sử Việt Nam có khi hưng khi phế, thế hệ trước không giữ được Hoàng Sa nhưng không phải vì thế mà Hoàng Sa trở thành đất của Trung Quốc hay của bất cứ một quốc gia nào khác. Dân tộc Việt Nam, các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau phải nhớ rằng: Bất cứ khi nào các điều kiện kinh tế, chính trị và quân sự cho phép, một trong những việc đầu tiên là phải lấy lại Hoàng Sa."
Slogan của diễn đàn Hoàng Sa cũng là một kiểu nhắc nhớ như chính Quang Trung ngày xưa vậy. Ngày ông tin rằng với tài năng và bá khí của mình, sẽ lấy lại đất cho tổ tiên.
***
Vậy tại sao có sự tranh cãi như hôm nay, và chính ngay cả tôi viết bài hôm nay cũng chỉ cho các bạn một cách nhìn và một sự hiểu biết thêm về lịch sử chứ không bảo các bạn đi đòi đất.
Bởi khi công nhận Triệu Đà là ta gián tiếp công nhận Lưỡng Quảng là của nước ta. Điều này rất vô lý ở thời điểm bây giờ. Sau hội nghị Ianta về chấm dứt chiến tranh thế giới thứ 2 cùng sự ra đời của tổ chức Liên Hợp Quốc, mọi thứ lãnh thổ đất liền cơ bản đã được xác nhận. Đấy là sự tiến hóa của nhân loại và sự phân chia đâu ra đó để ngăn cản chiến tranh.
Ok, thích lấy Quảng Đông hả? Cứ lấy, và trả một phần miền Nam Bộ cho Campuchia. Chứ đâu ra cái chuyện ăn trên đầu trên cổ người ta. Đất mình mất thì đòi lại, đất mình lấy thì giữ luôn. Sự tiến hóa của nhân loại là để các bản đồ được giữ nguyên hiện trạng như bây giờ.
Về điểm này mà nói, các sử gia miền Bắc khi kể chuyện Mị Châu đã cố gắng tránh điều này, trong giai đoạn nhạy cảm về các mối quan hệ chính trị - ngoại giao. Đấy là một điểm đúng trong giai đoạn đó. Bây giờ mọi thứ đã tương đối ổn định, ta cũng nên lật ra để bàn luận nhằm hiểu lịch sử hơn.
Hôm nay tôi lai rai chuyện lịch sử này. Vốn là để các bạn hiểu vì sao Quang Trung đòi Lưỡng Quảng, vốn là cho các bạn biết về một trang sử bị bỏ quên của dân tộc, và qua đó hiểu hơn về những di chỉ thời cổ đại cùng mối uyên nguyên của nước ta và Trung Quốc. Chính cái mối uyên nguyên này để ta có cách nhìn rõ ràng hơn về ông hàng xóm béo bụng đó, về liên hệ giữa ta và họ và qua đó có cách nhìn rõ hơn cho hôm nay.
Chúng ta chỉ có thể đi đến tương lai trên nền tảng vững chắc về lịch sử. Đấy là điều tôi gửi gắm qua bài viết.
Chúc một ngày tốt lành !
(Dũng Phan)

***************************************************

Chia sẻ một chút nhân nói đến nhà Triệu nói chung và Triệu Đà nói riêng  liên quan đến một chút vấn đề lãnh thổ

Chưa có bao giờ những quan điểm, góc nhìn, những giới hạn lại bị xóa nhòa như hiện tại, mở đường cho một cuộc xét lại lịch sử lớn chưa từng thấy. Nhưng trong đó, Triệu Đà lại là một nhân vật đặc biệt đến lạ kì, đi ngược lại với tất cả những nhân vật mâu thuẫn và mơ hồ chúng ta hằng tranh cãi. Những Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Nguyễn Ánh dần được mở ra dưới cái nhìn cởi mở của công và tội. Triệu Đà, ngược lại, từ một vị vua chính thống trong lịch sử lại nghiễm nhiên trở thành một tên giặc gian ác, điều mà người ta đang cố gắng chứng minh bằng dòng dõi và xuất xứ của ông.

Nhưng lạ kì thay, những người cố gắng làm điều đó đều là những học sĩ, những người có thời gian vùi sâu trong sử liệu, còn những người mà tài năng đã vượt ngoài sách vở, thật bất ngờ, đều sẻ chia một góc nhìn thống nhất:

"Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã (vườn không nhà trống), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời.”
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên xưng đế một phương”

“Triệu Đà là vị hiền quân
Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời”

Những trích dẫn kể trên lần lượt thuộc về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Chúng ta không khẳng định rằng mọi điều họ nói là đúng, nhưng một khi những con người này đã nhất trí về một quan điểm, chắc chắn chúng ta phải cân nhắc kĩ lưỡng. Vậy Triệu Đà đã làm được những gì?

Triệu Đà là người phương Bắc, điều này không có gì phải bàn cãi, cha mẹ ông bà tổ tiên họ Triệu đều nằm bên Trung Quốc. Bản thân Triệu Đà là quan nhà Tần cử xuống cai quản phần đất Nam Việt. Vậy nhưng, chí của Triệu Đà vượt xa một chức huyện lệnh cỏn con. Nhân lúc nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà lập nên một quốc gia độc lập mang quốc hiệu Nam Việt, đóng đô Phiên Ngung (Quảng Châu).

Sau nhiều năm tranh chấp, Triệu Đà đã hoàn toàn thu phục được đất Âu Lạc từ An Dương Vương, thống nhất Bách Việt. Trong đó, câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy chưa chắc đã chỉ là huyền thoại. Bản thân Triệu Đà có một người con trai được sử sách ghi nhận dù đến nay không còn danh tính, chỉ biết mất sớm, không kế được nghiệp vua. Còn nỗi thương nhớ của người con trai này có hóa xuống giếng sâu, làm sáng lên ngọc quý hay không, xin cứ để làm một dấu lặng trong dòng lịch sử.

Điều làm Triệu Đà khác biệt hoàn toàn với sự thống trị sau này của phương Bắc nằm ở chính thái độ của ông với người bản xứ. Nếu như nhà Thanh buộc mọi người Hán phải cạo đầu bím tóc như thiểu số cai trị thì Triệu Đà ngược lại, sống như một người Việt chính gốc. Ăn uống thường ăn bốc, ngồi xếp vành tròn, lấy vợ Giao Chỉ. Đến con cháu của An Dương Vương cũng được trọng dụng, vẫn được giữ thành Cổ Loa của tổ tiên, tiếp tục cai quản phần đất Âu Lạc. Đối xử với kẻ thù khoan dung nhưng không sợ bị làm phản, nếu Triệu Đà không tự tin mình đã thu phục được nhân tâm đất Nam, chắc hẳn sẽ không bao giờ dám làm như vậy.

Lữ Gia quê ở Thanh Hóa, là người Việt nhưng nắm trọn quyền lực đất nước, làm thừa tướng tới 4 đời nhà Triệu, xây dựng luật pháp, đề xuất sách lược, ra quân đánh giặc, việc gì cũng từng trải qua. Cứ nhìn vào gương của ông là biết nhà Triệu công, tư phân minh, giáo dục được đẩy mạnh, người tài được trọng dụng bất kể xuất thân, nguồn gốc.

Đó là đối nội, về đối ngoại, cụ thể là với phương Bắc, khẩu khí của Triệu Đà là điều chưa một vị vua phong kiến sau này của Việt Nam làm được. Triệu Đà trong thư trả lời vua Hán đã tự xưng là “lão phu”, điều mà sau này chính Ngô Sỹ Liên – người sống dưới triều đại của vua Lê Thánh Tông rực rỡ hoàng kim cũng phải khen :”Xem câu trả lời với Lục Giả (sứ giả Hán triều) thì oai anh vũ kém gì Hán Cao (Lưu Bang)”. Không có bao giờ mà phương Nam lại trở thành một vật cản mạnh mẽ đến vậy trước tham vọng của các thế lực Trung Quốc.

Tạm bỏ qua các dẫn chứng lịch sử, người ta thường bảo, muốn biết tốt xấu thế nào, cứ nhìn lòng dân là biết. Tới nay, chúng ta không khảo sát được người dân Nam Việt đời sống có tốt không, có coi trọng Triệu Đà không. Chỉ biết, trải qua hơn 2000 năm, Triệu Đà vẫn được hương hỏa từ đất cũ Quảng Châu cho tới Việt Nam ngày nay. Đủ thấy, tài và đức của Nam Việt Vũ Vương có sức lan tỏa ra sao.

Cho đến trước khi có những câu hỏi về việc tại sao người Việt lại thờ một vị vua gốc Trung Quốc, các bộ chính sử Việt Nam vẫn luôn khẳng định Triệu Đà và nhà Triệu là một phần tất yếu của lịch sử Việt Nam. Triệu Đà đã xây dựng một đất nước độc lập, của người Việt và do người Việt quản lý. Việt Nam – một đất nước độc lập duy nhất còn lại của hệ thống Bách Việt hoàn toàn đủ khả năng để coi là hậu duệ của Nam Việt. Cái mà chúng ta kế thừa không nằm ở cương vực lãnh thổ mà chính là những di sản về văn hóa, niềm tự hào dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường trước phương Bắc hùng mạnh.

Triệu Đà và các vua nhà Triệu đã sống như người Việt, chết như người Việt, bảo vệ đất Việt, phát triển văn hóa Việt, liệu ông có đáng để bị người Việt chúng ta coi là một thứ giặc ngoại xâm vô tri hay không?

Nguyen Minh Tuan

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

Lịch sử quân sự, nghê thuật chiến tranh và những tướng lĩnh kiệt xuất

1 nhận xét: