IOSIF STALIN - NGƯỜI ANH HÙNG DÂN TỘC HAY BẠO CHÚA KHÁT MÁU?
Đầu
năm 2005, tranh luận đã nổ ra ở thủ đô Moskva về việc có nên xây tượng
đài cho nhà lãnh tụ Iosif Stalin hay không. Ở các hiệu sách lớn trên
toàn nước Nga, những ấn phẩm về tiểu sử, lịch sử chính trị và kỷ nguyên
của ông vẫn được bày bán công khai và rất nhiều. Tuy đã có sự lật lại
vấn đề của một số nhà lãnh đạo sau Stalin về “Tệ sùng
bái cá nhân” và một số cuốn sách dựa trên các tài liệu lưu trữ được
giải mật gần đây khá mang tính phê phán. Nhưng nhìn chung, phần lớn các
sách báo và tác giả vẫn miêu tả Stalin theo chiều hướng tích cực. Trên
thực tế, khi người Nga được hỏi danh sách những người quan trọng nhất
thế kỷ 20, Stalin vẫn là nhân vật số một – cùng với Lenin.
Tuy
nhiên, chỉ trong vài năm sau đó, mức độ ảnh hưởng của ông gần như từng
bước bị loạt bỏ hoàn toàn. Những thông tin mật được công bố, những điều
tra của các sử gia (từng 1 thời là kẻ thù của Liên Xô cũ) được công
khai… Và ngay trong dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít (2010), đích
thân tổng thống Nga Medvedev đã “ký vào bản án tử” cho nhà độc tài này
bằng tuyên bố rằng: Stalin là tên giết người.
“Các sĩ quan Ba
Lan bị sát hại ở Katyn năm 1940, đã bị giết theo lệnh của chính quyền
Liên Xô, trong đó có Joseph Stalin” – trích phát biểu của Tổng thống
Dmitry Medvedev với báo giới quốc tế ngày 15/4/2010 (Theo “Russia
Today“).
Đến ngày 25/6/2010, bức tượng đá của nhà lãnh tụ
Iosif Stalin tại quảng trường trung tâm TP. Gori (Gruzia) bất ngờ bị
tháo dỡ. Hành động này gần như đã đặt dấu chấm hết cho một thời quá khứ
và sự ảnh hưởng của Stalin bởi Gori chính là quê hương của Stalin, nơi
ông được sinh ra, lớn lên và luôn được xem là người anh hùng dân tộc.
Thế nhưng, từ đâu mà một anh hùng chiến thắng Đức quốc xã lại trở thành
một trong những tên “đồ tể” khát máu nhất lịch sử nhân loại?
//
Iosif (Joseph) Stalin là vị chúa tể độc tài đã từng cai trị Liên bang
Xô Viết bằng bàn tay sắt trong suốt 30 năm (1922-1953). Ông là Tổng bí
thư Đảng Cộng sản Liên Xô, là Đại nguyên soái, là Tổng tư lệnh tối cao
các Lực lượng vũ trang Liên Xô, được suy tôn là “Người cha của các dân
tộc”.
Thế nhưng, kể từ sau khi bản báo cáo mật của Bí thư thứ
nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, Nikita Khrushchev tại đại hội Đảng lần thứ
20 - Đảng Cộng Sản Liên Xô (25-2-1956) về “Tệ sùng bái cá nhân của
Stalin” được tiết lộ ra ngoài thì nhiều người mới giật mình về những gì
vị lãnh tụ tối cao này đã làm.
Trong hơn hai mươi năm cầm quyền
của Stalin từ (1930 đến 1953) được đánh dấu bằng những đợt khủng bố quy
mô lớn có hệ thống mà nạn nhân đầu tiên là các sắc dân thiểu số, rồi
đến nông dân, tư sản trí thức và các thành phần quân đội bị nghi ngờ
«chống Đảng».
1/. Đối với Nông dân:
Bằng chính sách
tập thể hóa nông thôn trong nửa đầu thập niên 30, Stalin đã tiêu diệt
không thương tiếc tầng lớp năng nổ, tích cực, sáng tạo nhất ở nông thôn
mà ông gọi là tầng lớp cu-lắc. Chính sách này bị nông dân phản đối, thì
tại hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản năm 1934, Stalin tuyên bố:
“Phải tạo ra một tình thế mà các hộ cá thể, sau khi thu hoạch trên mảnh
đất canh tác của họ, phải sống tồi tệ hơn để họ có khả năng kém hơn các
nông trang viên. Phải tăng thêm gánh nặng thuế má cho họ.”
Ở
nhiều vùng, nông dân nổi dậy, Stalin cho quân đội đàn áp rất dã man. Ở
Ukraina, nơi được coi là vựa lúa của Liên Xô, cả một vùng rộng lớn, nông
dân tuy không nổi dậy nhưng cũng không chịu vào nông trang tập thể, và
đó là lúc chính sách “golodomor” ra đời (golodomor = làm cho chết đói).
Với chính sách này, quân đội sẽ bao vây cả một vùng rộng lớn, nội bất
xuất / ngoại bất nhập. Đồng thời cho các đội xuống từng làng lùng sục,
tịch thu tất cả lương thực để dân dần mòn mà chết đói.
Trong
trận “golodomor” kinh hoàng này, khoảng 20-25 triệu người đã chết vì đói
(theo sử gia Robert Conquest). Tuy nhiên, theo bộ phim tài liệu "THE
SOVIET STORY" của đạo điễn Edvin Snore, con số này là vào khoảng 7 triệu
người.
Nhà văn nổi tiếng Liên Xô Vasili Grosman đã mô tả trận
giam đói nông dân ghê rợn này trong cuốn sách tựa đề “Mọi sự trôi qua”.
Bên cạnh đó, một sự thật khác cho đến sau này mới được phơi bày, chính
là việc ở Liên Xô đến năm 1956, nông dân vẫn sống như dưới thời nông nô
(mặc dù chế độ nông nô đã được Nga hoàng xóa bỏ từ năm 1861), bởi nông
dân không được ra khỏi nông thôn. Một cách giản đơn nhất để thực hiện
việc này là chính quyền Xô Viết không cấp giấy thông hành cho họ. Mãi
đến khi Stalin qua đời, sau đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, chính
quyền mới có chế độ cấp passport cho nông dân như dân thành thị!
2/. Đại thanh trừng
Stalin là một con người rất đa nghi và rất sợ mất đi quyền lực. Cho nên
ngay cả những người cùng hàng ngũ của ông, nếu lộ ra hoặc bị nghi là
bất đồng tư tưởng với Stalin là ông tìm cách thanh toán không chút
thương tiếc.
Ngay từ trong thập niên 1920 Stalin đã bắt đầu
loại trừ những đối thủ hoặc những người ông cho là đối thủ chính trị của
mình ra khỏi đảng Cộng sản Liên Xô. Sau đó các nạn nhân thường bị chụp
mũ với những cáo trạng giả tạo để xử họ qua những vụ án chỉ để tác động
dư luận quần chúng, hay xử ngầm, bị xử tử, nhốt tù hay tù lao động trong
các trại tù Gulag
Trong cuộc “Đại Thanh Trừng” (diễn ra từ năm
1936 tới 1938), đây là đỉnh cao của các cuộc thanh trừng chính trị:
trong khoảng thời gian này mỗi ngày có tới 1.000 người bị giết chết. Đây
là một cuộc thanh trừng trên diện rộng của Stalin đối với nội bộ Đảng
Cộng sản Liên Xô và các quan chức chính phủ, đàn áp các địa chủ (kulak),
các chỉ huy Hồng quân bị kết án mưu phản, và những người không liên kết
trong một không khí giám sát và nghi ngờ lan rộng với "những kẻ phá
hoại”
Tổng số nạn nhân trong thời gian này không được biết
chắc, và cũng khó mà kiểm tra được, theo ủy ban Schatunowskaja, điều tra
theo ủy quyền của Bí thư thứ nhất Đảng CS Liên Xô Nikita Khrushchev,
dưới hầm ngầm của cơ quan phản giản KGB (thay thế NKVD):
- Từ
1/1/1935 cho tới tháng 7/1940, mật thám của Stalin đã cho thẩm vấn
19.840.000 người. 7 triệu trong số đó bị giam giữ, hơn 1/3 đã chết trong
thời gian bị giam cầm. Trong đó có những nhân vật cấp cao của Đảng và
quân đội. -
Một ví dụ rất điển hình: tại đại hội XVII Đảng Cộng
sản Liên Xô (năm 1934), phần đông đại biểu muốn bầu Kirov làm Tổng bí
thư. Vì thế, sau đại hội, Stalin đã tiến hành trả thù: 98 người trong
tổng số 139 ủy viên trung ương Đảng chính thức và dự khuyết do đại hội
XVII bầu ra (tức khoảng 70%), đã bị bắt và bị xử bắn (phần lớn vào những
năm 1937-38). Không những các ủy viên trung ương mà đa số đại biểu dự
đại hội XVII của Đảng cũng chịu chung số phận: trong số 1.956 đại biểu
chính thức và dự khuyết thì 1.108 người (chiếm hơn 50%) bị bắt và ghép
tội phản cách mạng.
Trong hàng ngũ quân đội, thì có đến trên
41.000 sĩ quan và hạ sĩ quan bị xử tử, kể cả nhiều nguyên soái, các
tướng lĩnh cao cấp cho đến các sĩ quan / hạ sĩ quan chỉ huy cấp Tiểu
đoàn, Đại đội. Đáng kể nhất phải kể đến:
+ 3 trong 5 Nguyên soái đầu tiên của Hồng quân Liên Xô: Mikhail Tukhachevsky, Aleksandr Yegorov & Vasily Blyukher
+ 14 / 16 Tư lệnh Tập đoàn quân.
+ 60 / 87 Quân đoàn trưởng
+ 136 / 199 Sư đoàn trưởng
Tất cả đều trở thành "kẻ thù của nhân dân" và bị xử tử trong cuộc Đại
thanh trừng này. Đó cũng là nguyên nhân mà sau này, 1 số nhà sử học cho
rằng Hồng quân bị suy yếu và ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến sự thảm bại
trong thời gian đầu khi bị Phát xít Đức tấn công.
3/. Thảm sát Katyn:
Đây là một cuộc xử bắn hàng loạt những tù binh Ba Lan do Bộ Dân ủy Nội
vụ (NKVD), cảnh sát mật Liên xô, thực hiện vào tháng 4 và tháng 5 năm
1940 tại rừng Katyn. Số tù binh bị xử bắn được ước tính khoảng 22.000
người, trong đó có khoảng 8.000 sĩ quan quân đội Ba Lan. Số còn lại là
các sĩ quan cảnh sát và giới trí thức.
Tuy nhiên, đó chỉ là vụ
xử bắn tập thể lớn nhất trong số các vụ hành quyết tù binh chiến tranh
cùng thời điểm. Các vụ xử bắn khác xảy ra ở khá xa tại các trại
Starobelsk và Ostashkov, tại trụ sở NKVD ở Smolensk, và các nhà tù tại
Kalinin (Tver), Kharkiv, Moskva và các thành phố Liên Xô khác.
Tháng 10/2007, lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự buổi
lễ truy điệu hàng chục triệu nạn nhân của Iosif Stalin. Đứng bên cạnh
một «mồ chôn tập thể» ở thao trường quân sự Butovo, ngoại ô Moskva, nơi
mà mật vụ Liên Xô đã xử bắn hàng chục ngàn người, Tổng thống Nga kêu gọi
dân Nga phải “đoàn kết” đừng để tái diễn quá khứ đau thương này.
//
Thế nhưng, mặc cho các thông tin ngày càng nhiều và rõ ràng (đến mức
khó có thể chối cãi), hình ảnh nhà lãnh đạo tối cao Iosif Stalin vẫn còn
đọng lại trong tâm trí khá nhiều người dân Nga, và khó có thể bị phai
mờ. Họ vẫn dành cho ông một tình cảm nồng ấm mà hiếm vị lãnh đạo nào có
được.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến năm 2012 của đài truyền
hình quốc gia Nga, có đến 47% người Nga tin rằng nhờ Stalin «sáng suốt»
mà Liên Xô đã trở thành một siêu cường được quốc tế kiêng nể (tỷ lệ ý
kiến trái chiều là 37%). Và không ít người Nga đã mơ về một Stalin thứ
hai để phục hồi lại thời kỳ mà họ cho là «vàng son» của đất nước.
Quả đúng như tôi đã từng viết:
Công & Tội
Thành & Bại
Người anh hùng & Kẻ sát nhân
Uy quyền tột đỉnh, một lời đã thốt vạn kẻ đầu rơi
mà khi chết cũng cô đơn tột đỉnh
Những cặp phạm trù ấy đôi khi cứ xoay vần và làm cho hậu thế chúng ta
mãi tò mò, nghiên cứu, đào sâu về họ... không lúc nào nguôi! Nhưng cho
dù có tìm ra, có hiểu như thế nào cũng (có thể) là phiến diện, là chưa
đủ... bởi làm sao có thể phán xét những con người của lịch sử!
Trong 1 bài khác, tôi sẽ kể thêm về cái chết trong sự cô đơn của "Người cha của các dân tộc" Iosif Stalin.
© Ảnh: tượng nhà lãnh đạo Stalin ở TP. Gori (Gruzia) - quê hương ông - bị kéo đổ ngày 25/6/2010
© son.le
Saigon / 2016
ABOUT THE AUTHOR
Lịch sử quân sự, nghê thuật chiến tranh và những tướng lĩnh kiệt xuất
0 nhận xét:
Đăng nhận xét